Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có 5.411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu người ở hơn 2.000 làng nghề trên khắp đất nước. Hàng thủ công mỹ nghệ hiện đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Rất nhiều nhóm sản phẩm cụ thể được đánh giá cao trên thị trường như hàng mây tre đan, các sản phẩm sơn mài, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lụa, các loại hoa giả...
Các Hiệp định FTA là cơ hội vàng cho những doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp hàng thủ công mỹ nghệ
Đối với thành phố Hà Nội, có hơn 1.350 làng nghề với khoảng 176 nghìn hộ làm nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước. Trong đó, có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, với 6 nhóm nghề gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
Tuy nhiên hiện nay, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nói chung, và Hà Nội nói riêng đang bị sụt giảm đơn hàng mạnh ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản... nhưng tại các nước mới nổi như Thái Lan, Philippines, Indonesia, lượng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đang tăng. Đây đang là thách thức lớn đối với những nhà quản lý cũng như những DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) - lưu giữ giá trị truyền thống
Để tạo ra một sản phẩm khảm trai, nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và tinh tế như vẽ hình, đục khuôn mẫu, phun sơn, ép vỏ trai...Trong ảnh nghệ nhân khảm trai làng Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cho rằng, các Hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết với các nước là "cơ hội vàng" cho những doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.
Khẳng định cơ hội thị trường xuất khẩu đang rất rộng mở. Tuy nhiên, theo bà Hà Thị Vinh, khi tham gia FTA sẽ có những khó khăn nhất định về hàng rào kỹ thuật, buộc các nhà sản xuất của Việt Nam phải thay đổi, phải hoàn thiện. Chẳng hạn những quy định chặt chẽ về yếu tố môi trường, tiếng ồn, đời sống của cán bộ công nhân viên,…Tóm lại là phải có sản phẩm "sạch" để chúng ta mang ra thế giới.
Cùng chung ý kiến, ông Mạc Quốc Anh cho hay, khi tham gia FTA, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định kỹ thuật, chuẩn mức mới của quốc gia thành viên. Đặc biệt, khi tận dụng FTA, doanh nghiệp phải thích nghi với các thay đổi trong môi trường kinh doanh bao gồm cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, quy định về lao động…
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội ngày càng nhiều mẫu mã sáng tạo, độc đáo
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, số lượng doanh nghiệp của Hà Nội có giao dịch xuất khẩu với các nước ký kết FTA còn hạn chế và chưa xứng với tiềm năng, đồng thời số doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA chưa nhiều.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa thích ứng với những thị trường có FTA…
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Thủ đô còn yếu, sản phẩm, hàng hóa phần lớn chưa đáp ứng các điều kiện về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, trong khi đó, việc tận dụng ưu đãi từ các FTA lại gắn liền với việc đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu về các cam kết trong FTA để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hạn nhằm hướng đến tận dụng những ưu đãi thuế quan…
Đánh giá tiềm năng, cơ hội mang lại cho doanh nghiệp Thủ đô từ các Hiệp định FTA, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, việc tận dụng cơ hội từ các FTA không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường quốc tế đang có nhiều biến động như hiện nay.
Trong đó, các FTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Cung cấp cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới, giảm thuế quan và rào cản thương mại… Điều này, giúp tăng cường khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp gia tăng doanh số bán hàng, quy mô hoạt động. Cùng với đó, khi tận dụng tốt cơ hội từ FTA, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn hàng giá rẻ, công nghệ tiên tiến từ các đối tác FTA và điều này giúp cải thiện năng suất lao động, tăng cường chất lượng sản phẩm, nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế…
Để doanh nghiệp Thủ đô tận dụng tốt các FTA, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị, thành phố Hà Nội cần rà soát toàn bộ các văn bản, hướng dẫn của Hiệp định mang lại và cần tổ chức công tác đào tạo, tuyên truyền một cách cụ thể, bài bản hơn, sâu rộng hơn. Cùng với đó, tăng cường liên kết, đào tạo, hợp tác giữa các doanh nghiệp Hà Nội và các doanh nghiệp trong khối để họ có thể trao đổi thông tin thường xuyên liên tục.
Ngoài ra, Hà Nội cũng cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở văn phòng đại diện tại các nước trong khối thực hiện FTA, từ đó có thể kết nối các tham tán, đại sứ quán để làm sao thông tin được nhanh chóng, kịp thời hơn, đỡ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các nước trong khối.
Đặc biệt, phải đầu tư cho đổi mới sáng tạo bởi nếu không đổi mới sáng tạo không cập nhật kịp thời những xu hướng mới thì những sản phẩm sẽ trở nên lạc hậu, sẽ không đủ sức cạnh tranh trong khi thế giới thay đổi liên tục…/.
Huyền Trang
Link nội dung: https://kinhtevathitruong.net/co-hoi-vang-cho-nganh-thu-cong-my-nghe-ha-noi-truoc-cac-hiep-dinh-fta-the-he-moi-a40625.html