Cụ thể, xản xuất ngành gốm sứ mỹ nghệ có quy mô lên đến 5.400 làng nghề và trải rộng khắp cả nước, trong số đó có gần 2.000 làng nghề truyền thống với 115 nghề đã được công nhận. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trường nước, sản phẩm gốm sứ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, EU, Thái Lan…
Xuất khẩu gốm sứ của Việt Nam sang nhiều thị trường trong giai đoạn 2019 - 2023 có xu hướng tăng: thị trường Mỹ tăng 7,4%/năm, Nhật Bản tăng 6,7%/năm, Đài Loan tăng 13,6%/năm, Thái Lan tăng 3,6%/năm, Philippin tăng 10,5%/năm… Kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất vào năm 2022 là 711 triệu USD.
Các đại biểu thăm quan khu trưng bày sản phẩm tại Hội chợ quốc tế Hanoi Giftshow 2024
Tuy bị sụt giảm 13% trong năm 2023, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gốm sứ của Việt Nam đã phục hồi trở lại. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sản phẩm gốm sứ của Việt Nam đến các thị trường đạt 317,04 triệu USD, tăng 9,51% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của đồ gốm sứ Việt Nam với kim ngạch đạt 81 triệu USD, tăng 55,70% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 25,5% thị phần; riêng trong tháng 6, thị trường Mỹ nhập khẩu 12,94 triệu USD sản phẩm gốm sứ từ Việt Nam, tăng 38,54% so với tháng 5/2024.
Kim ngạch tăng một phần nguyên nhân do người tiêu dùng Mỹ đang dần chuyển từ gốm sứ trang trí của Trung Quốc sang các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam. Tại Mỹ, Việt Nam lọt top các thị trường cung cấp gốm sứ lớn nhất, bên cạnh Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Mexico, Italia và Thái Lan.
Người thợ gốm luôn phải sáng tạo mẫu hoa văn trang trí trên sản phẩm để phù hợp với thị hiếu khách hàng
Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác quốc tế, như: Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)… giúp giảm thuế xuất khẩu và mở rộng cơ hội thị trường. Khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các ngành kinh tế nói chung và ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ nói riêng.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong dài hạn, ngành gốm sứ Việt Nam được dự báo sẽ còn nhiều cơ hội để tăng trưởng, nhờ vào sự phát triển không ngừng của công nghệ, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, cũng như sự đổi mới trong thiết kế và sản phẩm…
Tuy vậy, theo Bộ Công Thương, ngành gốm sứ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thiếu nguyên liệu sản xuất, giá nguyên liệu tăng cao nhưng giá sản phẩm cuối cùng không tăng. Thị trường xuất khẩu phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ngay ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu ngày càng đưa ra nhiều tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe, nhu cầu về sản phẩm gốm sứ cao cấp và nghệ thuật đang gia tăng trên toàn cầu. Các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các nước ASEAN đều có nhu cầu cao về sản phẩm gốm sứ chất lượng.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gốm sứ, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng vào đa dạng hóa mẫu mã và kiểu dáng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của các thị trường khác nhau; nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ sản xuất, đảm bảo chất lượng và độ bền của sản phẩm, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và môi trường.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ xuất khẩu từ phía Chính phủ Việt Nam, bao gồm ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và đào tạo, đặc biệt, các chương trình xúc tiến thương mại do chính phủ tổ chức giúp doanh nghiệp gốm sứ Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, tham gia triển lãm quốc tế và xây dựng mối quan hệ với các đối tác quốc tế, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, nghiên cứu và mở rộng thị trường mới, nhất là các thị trường tiềm năng có nhu cầu cao về sản phẩm gốm sứ./.
Huy Hoàng
Link nội dung: https://kinhtevathitruong.net/co-hoi-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-gom-su-my-nghe-viet-nam-a40626.html